Trong những năm gần đây, thuật ngữ ESG đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo nghiên cứu của PwC và Viện Quản trị Việt Nam, cả nước có khoảng 66% công ty bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn này, nhưng chỉ 22% trong số đó đảm bảo đầy đủ các khía cạnh. Vậy, ESG là gì? Vì sao các doanh nghiệp cần phải áp dụng? Hãy cùng Kamereo tìm câu trả lời trong bài viết sau đây!
ESG là gì?
ESG là viết tắt của Environmental, Social and Governance (tạm dịch: môi trường, xã hội và quản trị). Đây là một bộ tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp sử dụng để đánh giá tiềm năng phát triển bền vững và an toàn của một công ty.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư chú trọng đến các yếu tố ESG khi đánh giá hoạt động kinh doanh và hiệu quả của tổ chức. Các yếu tố này bao gồm: tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và hiệu suất quản trị khi xử lý các ảnh hưởng đó. Điểm số ESG càng cao chứng minh doanh nghiệp thực hành tốt các tiêu chuẩn, góp phần xác định rủi ro và cơ hội tăng trưởng tiềm năng.
Các chỉ số ESG thường không phải là phần của báo cáo tài chính bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn công bố thông tin này trong báo cáo phát triển bền vững hàng năm. Hầu hết báo cáo tuân theo tiêu chuẩn của SASB, GRI, UN Global Compact và các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, luật địa phương, các thỏa thuận và nguyên tắc ở mỗi quốc gia cũng ảnh hưởng đến báo cáo của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn ESG cần có trong doanh nghiệp
Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp giúp đánh giá và nâng cao hiệu suất bền vững của tổ chức. Dưới đây thông tin chi tiết về các tiêu chuẩn cho từng khía cạnh:
Môi trường (Environmental)
Đầu tiên, E – Environmental là khía cạnh đánh giá mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong suốt quá trình sản xuất, vận hành và quản lý. Hiểu đơn giản thì tổ chức sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố sau:
Biến đổi khí hậu
Tiêu chí biến đổi khí hậu sẽ được đánh giá dựa trên các cam kết quốc tế và trong nước. Đồng thời, tiêu chí này cũng được đánh giá tùy theo các chính sách quốc gia và quy định địa phương. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gây ấn tượng với cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Giảm 43,5% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2030 và đạt mức không phát thải carbon vào năm 2050.
- Giảm phát thải metan ít nhất 30% vào năm 2020 và 40% vào năm 2030.
Với vai trò tiên phong trong việc thiết lập các chính sách ESG, chính phủ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam có động lực và cơ sở rõ ràng hơn. Điều này nhằm đạt được các cam kết liên quan đến mục tiêu ESG.
Năng lượng
Các doanh nghiệp thực hiện ESG cần đảm bảo việc khai thác và sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế vô hạn như: năng lượng mặt trời và gió tự nhiên được khuyến khích.
Điều này giúp bảo vệ môi trường khỏi tình trạng cạn kiệt năng lượng. Đồng thời, cho phép tổ chức hoạt động liên tục mà không phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bị giới hạn. Từ đó, quy trình sản xuất sẽ được cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tài nguyên thiên nhiên
Tiêu chí tiếp theo là tài nguyên thiên nhiên bao gồm: đất, nước, cây xanh, khoáng sản và không khí. Để đạt điểm ESG cao ở tiêu chuẩn này, doanh nghiệp cần đảm bảo có đầy đủ giấy tờ được cấp phép khi sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên nào.
Nhiều tổ chức ghi điểm bằng cách chủ động cải tạo và khôi phục các khu vực bị ô nhiễm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới để tự tạo ra tài nguyên mà không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Xử lý và tái chế chất thải
Để điểm ESG cao, các doanh nghiệp phải thống kê, sau đó lên danh sách chi tiết về loại và khối lượng chất thải nguy hiểm. Tiếp theo, doanh nghiệp cần tiến hành thu gom, phân loại và lưu trữ ở nơi đảm bảo không gây ô nhiễm.
Theo các chính sách hiện hành, chất thải có thể được chuyển đến các cơ sở xử lý được cấp phép. Nếu có thể, công ty nên tái chế hoặc tái sử dụng chất thải để giảm thiểu tác động lên môi trường và tối ưu hóa năng lượng.
Xã hội (Social)
Khía cạnh thứ hai trong ESG là xã hội, giúp doanh nghiệp đánh giá các yếu tố liên quan như: mối quan hệ của công ty với khách hàng, đối tác và điều kiện làm việc của nhân viên quy định trong Bộ luật lao động 2019 số 45/2019/QH14.
Quyền riêng tư và bảo mật
Đây là một tiêu chí quan trọng nhưng các quy định và luật lệ về quyền riêng tư và bảo mật còn khá mới ở Việt Nam. Hiện nay, vấn đề này chủ yếu được áp dụng dựa trên Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng và Luật Công nghệ thông tin.
Để thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần có sự cho phép của chủ sở hữu trước khi thu thập, sử dụng hoặc xử lý dữ liệu của họ. Đặc biệt, doanh nghiệp không được phép tiết lộ thông tin cá nhân và phải cam kết có các biện pháp bảo vệ dữ liệu được an toàn.
Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập
Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập sẽ được đánh giá dựa trên Luật Lao động hiện hành. Theo đó, các tổ chức không được phân biệt đối xử với nhân viên dựa trên giới tính, màu da, chủng tộc, tôn giáo hoặc tầng lớp xã hội. Nam và nữ nhân viên cần được đối xử công bằng trong mọi khía cạnh bao gồm: công việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng,…
Môi trường làm việc an toàn
Một tiêu chuẩn ESG không thể bỏ qua là môi trường làm việc. Theo đó, khu vực cần đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe cho nhân viên. ESG nghiêm cấm mọi hình thức ép buộc lao động, ngược đãi, bóc lột và quấy rối nhân viên.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cũng rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi. ESG yêu cầu tổ chức tuân thủ đúng giờ giấc và tính chất công việc theo quy định của Luật Lao động.
Điều kiện làm việc
ESG sẽ dựa trên các quy định pháp luật Việt Nam để đánh giá điểm số cho doanh nghiệp về các tiêu chí như: mức lương, giờ làm việc, khám sức khỏe và chính sách bảo hiểm. Từ đó, doanh nghiệp có thể được điểm cao hay thấp tùy vào điều kiện làm việc.
Quản trị (Governance)
Cuối cùng, khía cạnh quản trị của ESG liên quan đến các hoạt động của tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, đạo đức trong kinh doanh và tuân thủ các quy định địa phương.
Công bố báo cáo ESG
Luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp thực hiện ESG phải công bố thông tin và kết quả hoạt động hàng năm như: khai thác – tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính và đóng góp cho cộng đồng. Báo cáo này cần phải nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán một cách công khai.
Chống hối lộ và tham nhũng
Chống hối lộ và tham nhũng là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị. Tiêu chuẩn ESG này sẽ được đánh giá theo Luật Phòng chống hối lộ và tham nhũng, cũng như luật Hình sự của Việt Nam.
Tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị
ESG cuối cùng của khía cạnh quản trị là tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị. Đây là tiêu chí đánh giá sự đa dạng về nguồn gốc của các thành viên trong hội đồng quản trị liên quan đến giới tính và lý lịch.
Theo luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp, yêu cầu tổ chức có hội đồng quản trị độc lập. Ví dụ như tại các công ty đại chúng chưa niêm yết, phải có ít nhất một năm kinh nghiệm cùng lĩnh vực.
Tại sao doanh nghiệp cần triển khai ESG?
Việc triển khai các tiêu chuẩn ESG mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp. Dưới đây là những lý do chính:
Tăng cường hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG đáng tin cậy tạo ra sự tin tưởng từ phía khách hàng
- Khảo sát của Nielsen năm 2022: 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh – sạch và được sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
- Báo cáo của PwC năm 2023: 96% người tiêu dùng được khảo sát tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm của các công ty có đạo đức kinh doanh.
Tạo môi trường làm việc tốt
Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng ESG tạo được điều kiện làm việc an toàn, chính sách đào tạo và phát triển nhân viên tốt. Đồng thời, môi trường làm việc thân thiện, thoải mái và hòa đồng. Điều này giúp tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn so với các doanh nghiệp vẫn chưa áp dụng.
Quản lý rủi ro và tiết kiệm chi phí
Việc tái chế và quản lý chất thải giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành. Những đơn vị có tiêu chuẩn ESG cao thường tránh được những sự cố như: ô nhiễm môi trường hoặc vi phạm pháp lý. Từ đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu các chi phí liên quan đến khắc phục và xử lý.
Thu hút đầu tư và tiếp cận nguồn vốn
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ESG khi đưa ra quyết định góp vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính và ngân hàng thường có điều kiện vay vốn ưu đãi hơn đối với các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này.
Theo McKinsey, các doanh nghiệp có tiêu chuẩn ESG tốt thường có chi phí vốn thấp hơn. Do đó, họ dễ dàng hơn khi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi.
Đáp ứng yêu cầu pháp lý và quy định
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu pháp lý về môi trường, xã hội và quản trị. Từ đó, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu nguy cơ bị phạt hoặc kiện tụng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn mà còn xây dựng được lòng tin từ phía các cơ quan quản lý và cộng đồng.
Đóng góp vào phát triển bền vững
Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững góp phần bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Đồng thời, việc thực hiện các hoạt động có trách nhiệm xã hội cũng cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên và cộng đồng xung quanh doanh nghiệp.
Quy định về các doanh nghiệp ESG tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các quy định về doanh nghiệp thực hiện ESG đang dần được hoàn thiện nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Dưới đây là một số quy định mà bạn có thể tham khảo:
Yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và báo cáo về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quản trị công ty, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển bền vững.
Yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải công bố thông tin liên quan đến các hoạt động ESG, bao gồm báo cáo về trách nhiệm xã hội và quản lý môi trường.
Đề ra các mục tiêu và biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường bảo vệ môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ xanh và thân thiện với môi trường.
Cung cấp hướng dẫn cho doanh nghiệp về việc lập báo cáo phát triển bền vững, bao gồm các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị.
Các công ty đang thực hiện tốt tiêu chuẩn SGE hiện nay
Hiện nay, có nhiều công ty đang áp dụng các tiêu chuẩn ESG vào doanh nghiệp. Điều này góp phần vào mục tiêu chung của toàn quốc về phát triển bền vững.
Vingroup
Vào ngày 14/3/2024, Vingroup đã dành giải thưởng AIBP 2023 ASEAN Tech for ESG do Media OutReach Newswire tổ chức tại Singapore. Điều này góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển bền vững.
Một số điểm nổi bật của Vingroup trong việc áp dụng tiêu chuẩn ESG bao gồm:
- Môi trường: Thực hiện các dự án phát triển đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu đô thị. Đầu tư vào các dự án xe điện và năng lượng sạch.
- Xã hội: Xây dựng các chương trình giáo dục và y tế cho cộng đồng. Tạo điều kiện làm việc tốt cho nhân viên, khuyến khích sự đa dạng và hòa nhập.
- Quản trị: Minh bạch trong báo cáo tài chính và quản trị doanh nghiệp. Áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ.
Vinamilk
Không thể thiếu Vinamilk khi nhắc đến các doanh nghiệp thành công trong việc áp dụng ESG. Vào năm 2022, thương hiệu này đã được vinh danh trong top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững hàng đầu tại Việt Nam. Tất cả là nhờ vào việc Vinamilk sớm chuyển đổi định hướng phát triển trong nhiều năm qua.
Không chỉ chú trọng vào chiến lược sản phẩm, Vinamilk nhìn nhận cần đảm bảo tiêu chuẩn ESG như là một nền tảng dài hạn để cải tiến toàn diện. Với mục tiêu “Vươn cao Việt Nam, vươn tầm thế giới”, thương hiệu thể hiện tinh thần cộng tác công bằng, toàn diện với các bên liên quan, đối tác, chính phủ, kể cả nhân sự và người nông dân.
Đặc biệt, Vinamilk khẳng định quyết tâm theo đuổi ESG thông qua việc nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đến môi trường. Bằng việc trồng thêm cây xanh và áp dụng các công nghệ hiện đại giúp thương hiệu đảm bảo chất lượng sữa và cải thiện môi trường chăn nuôi.
Kamereo
Mặc dù là một thương hiệu còn non trẻ, song Kamereo vẫn thể hiện quyết tâm trong việc theo đuổi mục tiêu áp dụng ESG vào doanh nghiệp. Theo đó, thương hiệu là một trong những đối tác tiên phong trong việc cam kết về môi trường và sự phát triển bền vững tại sự kiện Food Forum 2023.
Bên cạnh đó, Kamereo còn đầu tư vào vùng trồng trọt lớn lên đến 10 hecta tại Đà Lạt. Điều này góp phần mang đến sản phẩm sạch – chất lượng đến tay khách hàng.
Lời kết
Việc thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động. Đồng thời, việc này còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, xã hội và môi trường. Để biết thêm các tin tức liên quan, bạn có thể theo dõi tại Kinh nghiệm kinh doanh F&B.
Xem thêm: