Nếu kinh doanh trong lĩnh vực F&B thì có lẽ không ít lần bạn đã nghe qua cụm từ “tiêu chuẩn VietGAP”. Tuy nhiên, bạn có hết ý nghĩa của cụm từ này hay không? Vai trò của VietGAP trong trồng trọt và chăn nuôi là gì? Hãy cùng Kamereo tìm hiểu chi tiết VietGAP là gì trong bài viết sau đây nhé!
VietGAP là gì?
VietGAP là viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices. Đây là một bộ tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn VietGAP bao gồm: các nguyên tắc, trình tự cùng thủ tục hướng dẫn cho các tổ chức/cá nhân tham gia sản xuất, thu hoạch và sơ chế. Điều này nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, VietGAP còn bảo vệ phúc lợi xã hội, sức khỏe của người lao động/người tiêu dùng, cũng như bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các tiêu chuẩn của VietGAP được phát triển dựa trên quy định của Luật pháp Việt Nam bao gồm: Luật An toàn Thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên Nước và hướng dẫn từ FAO. Ngoài ra, VietGAP còn dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như: AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP và HACCP.
Các lĩnh vực sản xuất áp dụng VietGAP
Tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng cho nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bao gồm:
- VietGAP trồng trọt: rau củ quả tươi, chè búp tươi, lúa, cà phê, hạt điều, hồ tiêu,…
- VietGAP trong chăn nuôi: bò sữa, bò thịt, dê, heo, gà, ngan, vịt, ong,…
- VietGAP thủy sản: cá tra, cá rô phi, tôm sú, tôm chân trắng,…
Ngoài ra, VietGAP còn có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác như: sản xuất nấm, cây giống, phân bón hữu cơ hay thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp đạt giấy chứng nhận VietGAP
Tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng dựa trên các tiêu chí sau:
- An toàn: Sản phẩm phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, không chứa dư lượng hóa chất độc hại, kim loại nặng và vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép.
- Chất lượng: Sản phẩm phải đạt chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về cảm quan, hương vị, dinh dưỡng và các tiêu chuẩn chất lượng khác theo quy định của luật pháp.
- Bền vững: Hoạt động sản xuất phải song hành với bảo vệ môi trường, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.
- Truy xuất nguồn gốc: Người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thông tin về quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
12 Tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt
Tiêu chuẩn VietGAP được quy định cụ thể trong TCVN 11892-1:2027. Dưới đây là những nội dung chính trong trồng trọt mà bạn có thể tham khảo:
- Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất: Dựa trên các điều kiện sinh thái, khí hậu, thổ nhưỡng để cây trồng phát triển tốt, đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
- Giống và gốc ghép: Sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng sản xuất.
- Quản lý đất và giá thể: Sử dụng đất trồng được bón lót đầy đủ, áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý để bảo vệ đất đai, hạn chế xói mòn và thoái hóa đất.
- Phân bón và chất phụ gia: Sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại – đúng lúc – đúng cách – đúng liều lượng). Đồng thời, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh.
- Nước tưới cho cây trồng: Sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo an toàn vệ sinh, tưới nước cho cây trồng theo nhu cầu, tránh tưới quá nhiều hoặc quá ít.
- Hóa chất: Sử dụng hóa chất gồm phân vô cơ và thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
- Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: Thu hoạch sản phẩm đúng thời điểm, xử lý sau thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Quản lý và xử lý chất thải: Thu gom và xử lý chất thải hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Ghi chép hồ sơ: Ghi chép đầy đủ các thông tin về quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Điều kiện làm việc và vệ sinh cá nhân: Đảm bảo an toàn lao động cho người sản xuất. Đồng nghĩa với việc cung cấp các thiết bị bảo hộ lao động, đào tạo về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe định kỳ.
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Quy định cách tiếp nhận, xử lý cùng trả lời khiếu nại liên quan đến sản phẩm và quyền lợi của người lao động (lưu hồ sơ nếu có).
- Kiểm tra nội bộ: Tổ chức kiểm tra theo các yêu cầu của VietGAP trồng trọt tối thiểu 1 lần mỗi năm. Khi phát hiện vấn đề cần phân tích và có hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng trong tối đa 3 tháng (tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp).
Ngoài 12 tiêu chuẩn trồng trọt trên, VietGAP còn có các tiêu chuẩn riêng cho từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể. Việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Các bước chứng nhận VietGAP
Các bước và thủ tục cụ thể để được cấp chứng nhận VietGAP có thể thay đổi tùy theo cơ quan chứng nhận. Tổ chức, cá nhân sản xuất nên liên hệ trực tiếp với cơ quan có liên quan để được hướng dẫn cụ thể. Dưới đây là các bước cơ bản để được cấp chứng nhận VietGAP:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký
Tổ chức, cá nhân sản xuất muốn được cấp chứng nhận VietGAP cần nộp hồ sơ đăng ký cho cơ quan chứng nhận. Hồ sơ đăng ký bao gồm: các thông tin về tổ chức, cá nhân sản xuất, diện tích sản xuất, sản phẩm đăng ký chứng nhận và cam kết thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bước 2: Đánh giá thực tế
Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký, cơ quan chứng nhận sẽ cử cán bộ đến thực tế để đánh giá điều kiện sản xuất của tổ chức, cá nhân đăng ký. Nội dung đánh giá thực tế bao gồm:
- Đánh giá điều kiện vùng sản xuất.
- Cơ sở vật chất,
- Giống cây trồng, vật nuôi.
- Sử dụng hóa chất.
- Ghi chép hồ sơ.
- An toàn lao động, sức khỏe và phúc lợi của người lao động.
- Quản lý dịch hại.
Bước 3: Xử lý kết quả đánh giá
Sau khi hoàn thành đánh giá thực tế, cơ quan chứng nhận sẽ tổng hợp kết quả và đưa ra quyết định cấp hoặc không cấp chứng nhận VietGAP. Nếu tổ chức, cá nhân đăng ký đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, cơ quan chứng nhận sẽ cấp chứng nhận VietGAP. Trường hợp không đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, cơ quan chứng nhận sẽ thông báo lý do và yêu cầu khắc phục.
Bước 4: Duy trì chứng nhận
Sau khi được cấp chứng nhận VietGAP, tổ chức, cá nhân sản xuất cần duy trì thực hiện theo các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP. Cơ quan chứng nhận sẽ định kỳ kiểm tra để đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn. Nếu tổ chức, cá nhân không duy trì thực hiện theo các yêu cầu của VietGAP, cơ quan chứng nhận có thể thu hồi chứng nhận.
Doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP có lợi ích gì?
Hiện nay, tiêu chuẩn VietGAP như kim chỉ nam để các doanh nghiệp sản xuất hướng đến. Dưới đây là những lợi ích mang lại khi đạt đủ tiêu chuẩn:
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn quy trình sản xuất. Từ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP sẽ tạo dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tăng hiệu quả sản xuất
Áp dụng VietGAP giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu, giảm thiểu lãng phí. Vì vậy, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí đầu tư. VietGAP cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và cải thiện môi trường làm việc.
Mở rộng thị trường
Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính, đặc biệt khi xuất khẩu. Chứng nhận này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu, hỗ trợ tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp uy tín và có trách nhiệm với cộng đồng.
Tiếp cận các chương trình hỗ trợ
Doanh nghiệp áp dụng VietGAP có thể được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ như: hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ, xúc tiến thương mại,… Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn này trong sản xuất.
Nâng cao trách nhiệm xã hội
Áp dụng VietGAP thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. Theo đó, doanh nghiệp có chứng nhận VietGAP sẽ góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đến môi trường.
Một số câu hỏi thường gặp
Bên cạnh các thông tin về VietGAP là gì kể trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất còn có các thắc mắc sau:
Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực bao lâu?
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 17 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT, khoản 2 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT có quy định về hiệu lực của Giấy chứng nhận VietGAP như sau: “Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực tối đa 02 (hai) năm kể từ ngày cấp”.
Hết hạn thì có được gia hạn hay không?
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 17 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT, khoản 2 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT có quy định về việc gia hạn của Giấy chứng nhận VietGAP như sau: “Giấy chứng nhận VietGAP được gia hạn tối đa 03 (ba) tháng đối với trường hợp cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận nhưng không tiếp tục đăng ký cấp lại sau khi hết hạn”.
Tổng kết
Hy vọng qua bài viết giúp bạn hiểu hơn về tiêu chuẩn VietGAP là gì. Việc áp dụng VietGAP vào hoạt động sản xuất là không dễ dàng, nhưng sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hãy theo dõi chuyên mục Nguồn hàng – nguyên vật liệu để biết thêm nhiều thông tin thú vị về nông nghiệp nhé!
Xem thêm: