Với gần 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B như: thực phẩm, nhà hàng và khách sạn. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế trong năm 2023 khiến các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Hãy cùng Kamereo tìm hiểu về tình hình chung của thị trường và những dự đoán hướng phát triển trong năm 2024 nhé!
Tổng quan thị trường F&B năm 2023
Trong những tháng đầu của năm 2023, thị trường F&B tại Việt Nam đã trải qua những biến động khó khăn. Theo đó, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân của người lao động. Điều này dẫn đến hoạt động tiêu dùng giảm đáng kể. Tâm lý giữ chặt chi tiêu rõ ràng không chỉ xuất hiện ở thị trường bán lẻ và tiêu dùng tổng thể, mà còn trong toàn bộ lĩnh vực F&B.
Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường được iPOS.vn công bố, doanh thu ngành đã tăng 11,47% lên hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ẩm thực tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
Mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn, trong hơn 3.000 doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát, có tới 79,6% cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tích cực và họ có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Hơn nữa, 51,7% các cửa hàng ăn uống trong số này dự định mở rộng quy mô.
Dự kiến sự phát triển toàn ngành trong năm 2024
Theo Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia có tiềm năng kinh tế phát triển nổi bật trong 5 năm tới. Các yếu tố như: đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất – nhập khẩu được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổng thể, đặc biệt ngành F&B.
Giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ tăng 10,92% so với năm 2023, đạt khoảng hơn 655.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2027, cấu trúc doanh thu sẽ ít thay đổi khi các cửa hàng F&B độc lập vẫn chiếm ưu thế với 93,9% thị phần.
Theo xu hướng tiện lợi, thân thiện thì năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Các cửa hàng sẽ được mở ra với các tiêu chí như: chi phí đầu tư hợp lý, vị trí thuận tiện, phù hợp với dịch vụ mang đi và giao hàng, và giá cả ở phân khúc trung bình và dân dụng.
Các công ty công nghệ lĩnh vực F&B trong năm 2024
Thanh toán & ví điện tử
Cho đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng. Trong số đó, các dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử được cấp giấy phép cho 1 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ và chi hộ cho 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử cho 49 tổ chức và dịch vụ ví điện tử cho 14 tổ chức.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, có khoảng 36,23 triệu ví điện tử đang hoạt động (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt). Tổng số tiền trên những ví này ước tính vào khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.
FiinGroup vừa công bố báo cáo về thị trường dịch vụ trung gian thanh toán, chỉ ra rằng khối lượng giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 83,5% trong giai đoạn 2018-2023. Dự báo của FiinGroup cho đến cuối năm 2024, số lượng ví điện tử hoạt động tại Việt Nam có thể đạt 50 triệu bên cạnh các ông lớn bao gồm: ZaloPay, VNPAY, Momo, VinID, Samsung Pay, Apple Pay,…
Giao đồ ăn
Thị trường giao đồ ăn Việt Nam trong năm qua được chia khá đều cho hai ứng dụng lớn là GrabFood (47% thị phần) và ShopeeFood (45% thị phần). Bên cạnh đó, Baemin (5%), Gojek (3%) và chiếm thị phần ít ỏi còn lại là các nền tảng khác như: Loship, Delivery K, Capichi Delivery,…
Mặc dù Việt Nam đã ghi nhận mức tăng tổng giá trị chi tiêu (GMV) ấn tượng 30% lên 1,4 tỷ USD trong năm vừa qua, nhưng so với các nền tảng ở các thị trường lân cận, Việt Nam vẫn có quy mô khá khiêm tốn.
Hiện tại, hầu hết các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á đã hoặc đang tiến gần tới mức hòa vốn EBITDA điều chỉnh. Trong đó, một số nền tảng đang hướng tới mục tiêu dòng tiền tự do dương vào năm 2024.
Chợ trực tuyến
Theo dự báo của Metric, xu hướng Direct to Consumer (DTC) – doanh nghiệp sản xuất bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mà không thông qua nhà phân phối sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Điều này cho phép các nhà sản xuất có thể kiểm soát toàn diện quy trình từ sản xuất, marketing đến bán hàng. Đồng thời, giảm chi phí trung gian tối đa, giúp tăng biên lợi nhuận.
Metric cũng dự đoán rằng cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục gay gắt trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2024. Do đó, các nhà sản xuất cần hiểu rõ quy trình hoạt động của từng sàn TMĐT cũng như cách tiếp cận người tiêu dùng để đề ra chính sách bán hàng phù hợp và duy trì mối quan hệ với các đối tác phân phối.
Tương tự như các ngành nghề khác, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ngày càng quan tâm và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của các thương hiệu có trách nhiệm xã hội và môi trường. Họ không chỉ quan tâm đến giá cả và khuyến mãi mà còn chú trọng đến các giá trị này. Ngoài ra, các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) đã và sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng TMĐT.
Một số doanh nghiệp đã tham gia mô hình này và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2023 bao gồm: Tiki Ngon, Sendo Farm, Cooky,…
Đơn vị cung cấp B2B
Trên thị trường kinh doanh, chuyển đổi số là một xu hướng quan trọng và không thể tránh được, đặc biệt là trong lĩnh vực F&B giữa các doanh nghiệp. Trong năm 2024, dự kiến xu hướng chuyển đổi số trong ngành FnB B2B sẽ tiếp tục phát triển với sự tập trung vào các công nghệ tự động hóa để thực hiện các hoạt động như: đặt hàng, giao hàng và theo dõi đơn hàng.
Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng trong dự báo nhu cầu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp B2B. Công nghệ IoT cũng sẽ được áp dụng trong các lĩnh vực như truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Điều này giúp các doanh nghiệp F&B nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình.
Hai doanh nghiệp là Kamereo và Losupply hiện đang hoạt động năng nổ trong ngành cung cấp B2B để đáp ứng nhu cầu cho nhiều nhà hàng, khách sạn,… Dự đoán, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ những dấu hiệu tích cực từ thị trường và chính phủ.
Xem thêm: Giới thiệu về Kamereo
Truyền thông
Trong ngành F&B, sự sôi động luôn đi kèm với nhiều tiềm năng và thử thách. Để thành công trong môi trường cạnh tranh gay gắt này, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng và áp dụng chiến lược marketing hiệu quả.
Theo đó, xu hướng đặt món ăn trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trong đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024. Các doanh nghiệp cần tập trung vào tối ưu hóa kênh bán hàng trực tuyến, hợp tác với các nền tảng giao hàng đáng tin cậy và triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Sự lên ngôi của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, thúc đẩy các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược nội dung sáng tạo, thu hút và tương tác với khách hàng trên các nền tảng phổ biến như: Facebook, Instagram, TikTok,… Ngoài ra, việc xuất hiện trên các nền tảng thứ 3 như: Foody, Trip Advisor, Riviu, 5food,… giúp các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh hiệu quả hơn.
POS – Điểm bán hàng
Hiện nay, các hệ thống điểm bán lẻ (POS) đã trải qua sự chuyển đổi đáng kể và đóng vai trò then chốt trong việc tái định hình hoạt động bán lẻ của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực F&B. POS hiện đại không chỉ đơn thuần là điểm giao dịch mà đã phát triển thành các giải pháp quản lý bán lẻ toàn diện.
Bằng cách tích hợp các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng phân tích dữ liệu, POS cung cấp khả năng quản lý hàng tồn kho, theo dõi bán hàng và phân tích dữ liệu khách hàng theo thời gian thực. Hơn nữa, hệ thống này còn tích hợp liền mạch với các công cụ kinh doanh khác như: hệ thống CRM và ERP giúp đảm bảo quy trình hoạt động thống nhất và hiệu quả.
Những công ty cung cấp hệ thống POS có nhiều thành công trong năm 2023, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 bao gồm: iPOS, Ocha, KiotViet, PosApp, mPos, Sapo,…
Tuyển dụng
Theo Báo cáo Khảo sát Thị trường Tuyển dụng năm 2023 – 2024 của JobsGO, kế hoạch tuyển dụng năm 2024 của các doanh nghiệp tại Việt Nam khá đa dạng. Có 39,6% doanh nghiệp dự định tăng cường đội ngũ nhân sự thêm từ 10-30%. Trong khi đó, 31,6% doanh nghiệp dự định tuyển dụng dưới 10% nhân sự mới.
Điều này mang đến tín hiệu tích cực cho người lao động với nhiều cơ hội mới trong mùa tuyển dụng. Mặc dù năm 2024 đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn do tình hình kinh tế thế giới, nhưng cơ hội tuyển dụng vẫn rất rộng mở và đa dạng.
Riêng đối với lĩnh vực F&B, người lao động và doanh nghiệp có thể tham gia 3 nền tảng lớn bao gồm: Hoteljob, HUFR và Chefjob.vn để tìm kiếm công việc hoặc ứng viên phù hợp.
Đặt bàn
Đặt bàn trực tuyến đã không còn xa lạ đối với thị trường F&B. Hình thức này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và đảm bảo có chỗ ngồi ưng ý tại nhà hàng. Hơn nữa, nhờ sự phát triển của công nghệ và thói quen sử dụng smartphone, nhu cầu đặt bàn online ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong năm 2024.
Bên cạnh đó, các ứng dụng đặt bàn như: Table Check, SevenRooms, Open Table, Dining City, TORETA, PasGo,… ngày càng được khách hàng ưa chuộng bởi vì khả năng cung cấp nhiều lựa chọn. Các nhà hàng cũng thích ứng với xu hướng đặt bàn online bằng cách tích hợp các ứng dụng đặt bàn vào website hoặc trang mạng xã hội của mình để mang lại sự tiện lợi cho khách hàng.
Phần thưởng & phiếu quà tặng
Phần thưởng & phiếu quà tặng đang là một xu hướng marketing trong năm 2023. Hình thức này được nhiều doanh nghiệp áp dụng để thu hút khách hàng, tăng doanh thu và xây dựng lòng trung thành với thương hiệu.
Đặc biệt, xu hướng gamification (Trò chơi hóa) đang được ứng dụng rộng rãi trong các chương trình Rewards & Gift Vouchers. Điều này giúp tăng sự thu hút và tương tác của khách hàng. Bên cạnh đó, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường này, giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai, quản lý chương trình và mang đến trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng.
Dự đoán thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 với sự góp mặt của nhiều công ty bao gồm: URBOX, Got It, Jamja, Giftee, PEKO, Savyu, Clingme, The Golden, Spoon, Rewards+, Hotdeal, KembaQ, Wisepass và WMC Prestige.
Kế toán & mua hàng
Theo tính toán của MISA, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính – kế toán có thể giúp tiết kiệm 75% chi phí so với việc tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức truyền thống. Một số công ty hàng đầu của ngành bao gồm: FAST, MISA, SAP,…
Bên cạnh đó, các nền tảng dịch vụ thuê ngoài đang nhanh chóng áp dụng nhiều công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu (data science), Chat GPT,… để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng do chuyển đổi số như hiện nay.
Cloud Kitchen
Cloud Kitchen hay còn được gọi là bếp trung tâm, đang trở thành một mô hình kinh doanh nhà hàng đầy tiềm năng trong lĩnh vực F&B. Mô hình này thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp trong năm 2023 bao gồm: CloudEats, Air Kitchen, Deliany, Hangry, Chef Station, Révi Coffee & Tea, QUỐC YẾN CLOUD KITCHEN và Cyber Kitchen.
Theo nhiều dự đoán từ các chuyên gia, thị trường Cloud Kitchen sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 với những tiềm năng sau:
- Lối sống bận rộn khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các hình thức đặt thức ăn nhanh chóng và tiện lợi.
- Nền tảng giao hàng trực tuyến như: GrabFood, ShopeeFood,… ngày càng phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Cloud Kitchen.
- So với mô hình nhà hàng truyền thống, Cloud Kitchen có chi phí vận hành thấp hơn do tiết kiệm chi phí mặt bằng, nhân viên phục vụ,…
- Cloud Kitchen có thể dễ dàng mở rộng quy mô bằng cách tăng thêm bếp nấu hoặc hợp tác với các nhà hàng khác.
Xem thêm: Cloud Kitchen là gì? Xu hướng kinh doanh F&B mới trong năm 2024
Tổng kết
Trên đây là các dự đoán về tình hình các công ty công nghệ lĩnh vực F&B trong năm 2024. Tuy nhiên, tình huống thực sự có thể thay đổi tùy theo thị trường nên thông tin có thể không chính xác và Kamereo không khuyến cáo mọi người áp dụng vào tình hình kinh doanh của mình. Hãy theo dõi chuyên mục FoodTech để cập nhật những tin mới nhất về thị trường và công nghệ nhé!
Xem thêm: