Người mua và người bán sử dụng một phương thức trao đổi chung khi mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Trong suốt thời gian phát triển của nền kinh tế thế giới, nhiều hình thức thanh toán mới đã được ra đời. Hãy cùng Kamereo tìm hiểu các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay trong bài viết sau đây!
Phương thức thanh toán là gì?
Về mặt pháp lý, phương thức thanh toán là cách thực hiện nghĩa vụ về tài sản giữa các bên. Những phương thức thanh toán bao gồm: tiền mặt, séc, chuyển khoản ngân hàng, thư tín dụng, thanh toán bằng hiện vật,… Việc thanh toán có thể được thực hiện một lần, nhiều lần hoặc theo định kỳ, tùy thuộc vào sự thống nhất của các bên.
Vậy, hình thức thanh toán là gì? Hình thức thanh toán là loại tài sản được sử dụng để thực hiện giao dịch. Hiện nay, có hai dạng phổ biến như:: thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản, tín dụng, séc,…).
Các phương thức thanh toán nội địa
Trước kia, thanh toán bằng tiền mặt là hình thức chủ yếu. Với sự phát triển của công nghệ, các phương thức thanh toán mới như: thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản,… đã trở nên phổ biến. Những phương thức này mang lại sự tiện lợi và linh hoạt hơn cho người dùng.
Thanh toán bằng tiền mặt (pay in cash)
Thanh toán bằng tiền mặt là hình thức giao dịch trực tiếp. Trong đó, người mua thanh toán giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ bằng tiền mặt ngay tại thời điểm diễn ra giao dịch mua bán. Đây là phương thức thanh toán truyền thống, phổ biến trong các giao dịch nhỏ lẻ. Đặc biệt, thanh toán bằng tiền mặt không yêu cầu qua trung gian tài chính như ngân hàng.
Thanh toán bằng quét mã QR Code (QR Pay)
Thanh toán bằng mã QR Code là một trong những phương thức hiện đại và tiện lợi nhất hiện nay. Khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại hoặc ứng dụng ngân hàng để quét mã QR. Ưu điểm là quá trình chuyển tiền hoặc thanh toán diễn ra nhanh chóng và chính xác vào tài khoản của doanh nghiệp mà không mất nhiều thời gian.
Hình thức quét mã QR phổ biến trên các nền tảng trực tuyến và cũng được áp dụng rộng rãi tại các cửa hàng. Nhiều cơ sở kinh doanh đã triển khai mã thanh toán, giúp khách hàng dễ dàng giao dịch mà không cần lo lắng về việc chờ đợi hay xử lý tiền lẻ và tiền thừa.
Thanh toán bằng thẻ ngân hàng (pay by bank card)
Thanh toán bằng thẻ ngân hàng như: ATM, VISA,… là một trong những phương thức thanh toán không tiền mặt phổ biến nhất hiện nay. Khách hàng có thể dễ dàng sử dụng thẻ ngân hàng để thực hiện giao dịch tại quầy thông qua các thiết bị POS hoặc máy quẹt thẻ. Điều này mang lại sự tiện lợi và an toàn trong quá trình thanh toán.
Thanh toán bằng ví điện tử (paying through an e-wallet)
Ví điện tử hiện đang đóng vai trò quan trọng trong giải pháp thanh toán số nhờ vào tính năng nổi bật, tiện ích đa dạng và thường miễn phí chuyển khoản. Phương thức thanh toán này đã trở thành lựa chọn phổ biến cho thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, các ví điện tử còn cung cấp nhiều ưu đãi và voucher giảm giá cho dịch vụ thanh toán, nạp thẻ và hóa đơn.
Thanh toán quốc tế là gì?
Thanh toán quốc tế là một nghiệp vụ ngân hàng quan trọng trong việc thực hiện giao dịch giữa bên mua và bên bán thuộc lĩnh vực ngoại thương. Tuy nhiên, thanh toán quốc tế có thể được thực hiện mà không cần qua ngân hàng trong một số trường hợp sử dụng tiền mã hóa như: Bitcoin, Ethereum,…
Các phương thức thanh toán quốc tế
Phương thức chuyển tiền (Remittance)
Phương thức chuyển tiền (Remittance) là hình thức trong đó một khách hàng của ngân hàng (người yêu cầu chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng ở một địa điểm cụ thể.
Có hai hình thức chính của chuyển tiền:
- Chuyển tiền trả sau: Trong trường hợp này, bên xuất khẩu có thể gặp bất lợi nếu hàng hóa đã được gửi đi nhưng người nhập khẩu chậm lập lệnh chuyển tiền cho ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến việc người xuất khẩu không nhận được thanh toán kịp thời.
- Chuyển tiền trả trước: Ngược lại, người nhập khẩu sẽ phải chịu rủi ro nếu đã thanh toán tiền cho người xuất khẩu nhưng chưa nhận được hàng do sự chậm trễ trong việc giao hàng từ phía người xuất khẩu.
Phương thức nhờ thu (Collection of payment)
Để khắc phục các hạn chế của phương thức chuyển tiền trả sau, phương thức nhờ thu, đặc biệt là nhờ thu hối phiếu kèm theo chứng từ đã được phát triển để bảo vệ quyền lợi của người xuất khẩu.
Quy trình nhờ thu
Người xuất khẩu sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất hàng hóa sẽ ủy thác cho ngân hàng thu hộ số tiền từ người nhập khẩu dựa trên hối phiếu do mình lập ra.
Các bên liên quan trong phương thức này bao gồm:
- Người xuất khẩu – người ủy thác thu (Principal).
- Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu – ngân hàng được ủy thác thu (Remitting Bank).
- Ngân hàng đại lý của ngân hàng phục vụ người xuất khẩu – ngân hàng quốc gia của người nhập khẩu (Collecting Bank).
- Người nhập khẩu hoặc người được chỉ định (Drawee).
Các loại nhờ thu
Nhờ thu trơn (Clean Collection):
Chỉ bao gồm chứng từ tài chính mà không kèm chứng từ thương mại.
Quy trình:
- Người xuất khẩu gửi hàng và chứng từ cho người nhập khẩu.
- Ký phát hối phiếu và viết chỉ thị nhờ thu gửi ngân hàng phục vụ.
- Ngân hàng phục vụ chuyển hối phiếu và chỉ thị cho ngân hàng đại lý ở nước nhập khẩu.
- Ngân hàng đại lý xuất trình hối phiếu cho người nhập khẩu.
- Người nhập khẩu thanh toán hoặc chấp nhận hối phiếu.
- Ngân hàng đại lý chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho ngân hàng phục vụ.
- Ngân hàng phục vụ chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho người xuất khẩu.
Nhờ thu chứng từ (Documentary Collection):
Bao gồm chứng từ thương mại kèm hoặc không kèm chứng từ tài chính.
Quy trình:
- Người xuất khẩu giao hàng và lập chứng từ thương mại.
- Gửi chứng từ và chỉ thị nhờ thu đến ngân hàng phục vụ.
- Ngân hàng phục vụ chuyển bộ chứng từ và chỉ thị cho ngân hàng đại lý ở nước nhập khẩu.
- Ngân hàng đại lý xuất trình chứng từ theo chỉ thị cho người nhập khẩu.
- Người nhập khẩu thanh toán hoặc chấp nhận hối phiếu để nhận chứng từ và lấy hàng.
- Ngân hàng đại lý chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho ngân hàng phục vụ.
- Ngân hàng phục vụ chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho người xuất khẩu.
So sánh rủi ro của các loại nhờ thu
Nhờ thu trơn
Đơn giản hơn nhưng không đảm bảo quyền lợi cao như nhờ thu chứng từ. Vì vậy, rủi ro của phương thức thanh toán này cũng lớn hơn nếu người nhập khẩu không thanh toán.
Nhờ thu chứng từ
Đảm bảo quyền lợi cao hơn vì người nhập khẩu phải thanh toán hoặc chấp nhận hối phiếu để nhận chứng từ và hàng hóa. Tuy nhiên, nếu sử dụng điều kiện nhờ thu trả tiền giao chứng từ (D/P) hoặc nhờ thu chấp nhận trả tiền đổi chứng từ (D/A), việc thu tiền có thể gặp khó khăn nếu người nhập khẩu không thanh toán đúng hạn hoặc từ chối nhận hàng.
Bên cạnh đó, trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không hoặc phương tiện khác, chứng từ như vận đơn không phải luôn là chứng từ sở hữu, có thể dẫn đến việc hàng hóa được giao cho người nhập khẩu trước khi thanh toán được thực hiện.
Thư tín dụng (Letter of Credit – L/C)
Thư tín dụng hay L/C (Letter of Credit) là một tài liệu do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của một khách hàng (người nhập khẩu). Theo đó, đây là cam kết thanh toán cho người thụ hưởng (người xuất khẩu) khi người xuất khẩu xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ.
Vì vậy, L/C thường được gọi là L/C thương mại hoặc L/C chứng từ. Trong đó, L/C thương mại được thiết lập dựa trên hợp đồng mua bán nhưng hoạt động độc lập và riêng biệt khỏi hợp đồng đó.
Phương thức ghi sổ (Open account)
Phương thức thanh toán ghi sổ là hình thức mà người bán mở một tài khoản để ghi nợ số tiền mà người nhập khẩu phải thanh toán vào một thời điểm xác định trong tương lai. Vì vậy, phương thức này chỉ phù hợp khi hai bên có mối quan hệ tin cậy, đã thực hiện nhiều giao dịch và người mua có uy tín về thanh toán.
Rủi ro
Sử dụng phương thức ghi sổ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì ngân hàng không tham gia trực tiếp trong việc mở tài khoản và thực hiện thanh toán. Quá trình thanh toán chỉ được thực hiện khi đến kỳ hạn thỏa thuận. Khi đó, người nhập khẩu sẽ thanh toán số tiền nợ qua ngân hàng của mình cho người xuất khẩu.
Với phương thức này, chỉ có người xuất khẩu mở tài khoản để ghi chép các khoản tiền hàng. Trong khi đó,người nhập khẩu không mở tài khoản song song. Nếu có mở, tài khoản đó chỉ để theo dõi, không có giá trị thanh toán giữa hai bên.
Quy trình thực hiện
Bước 1: Giao hàng và gửi chứng từ
Nhà xuất khẩu giao hàng hoặc dịch vụ và gửi chứng từ liên quan cho nhà nhập khẩu để nhận hàng.
Bước 2: Ghi nợ và thông báo
Nhà xuất khẩu ghi nợ vào tài khoản và thông báo cho nhà nhập khẩu về khoản nợ.
Bước 3: Thanh toán định kỳ
Theo định kỳ (tháng, quý, hoặc nửa năm), nhà nhập khẩu thực hiện thanh toán qua ngân hàng cho nhà xuất khẩu.
Biện pháp đảm bảo
Để giảm thiểu rủi ro, phương thức ghi sổ chỉ nên được áp dụng khi hai bên có mối quan hệ làm ăn lâu dài và tin cậy lẫn nhau. Để bảo vệ quyền lợi của nhà xuất khẩu, các bên có thể sử dụng các biện pháp đảm bảo như:
- Bảo lãnh ngân hàng
- Thư tín dụng dự phòng
- Đặt cọc
Phương thức thư ủy thác mua hàng (Authority to Purchase – A/P)
Thư ủy thác là một tài liệu mà ngân hàng của người nhập khẩu phát hành cho ngân hàng đại lý ở nước ngoài. Theo đó, tài liệu này yêu cầu ngân hàng đại lý thay mặt để mua hối phiếu từ người ký phát và chuyển cho người nhập khẩu.
Ngân hàng đại lý căn cứ vào điều khoản trong thư ủy thác để thực hiện việc mua hối phiếu và trả tiền cho hối phiếu, sau đó thu tiền từ người nhập khẩu và giao chứng từ cho họ.
Hiện nay, thư ủy thác thường được sử dụng trong các hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị, và các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao.
Cách thức chuyển tiền:
- Chuyển tiền đặt cọc: Người nhập khẩu chuyển tiền đặt cọc toàn bộ số tiền sang ngân hàng ở nước xuất khẩu thông qua ngân hàng của mình. Ngân hàng ở nước xuất khẩu sẽ phát hành A/P (Acceptance Payment) cho nhà xuất khẩu dựa trên số tiền đã chuyển.
- Phát hành A/P cho ngân hàng đại lý: Người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình phát hành A/P cho ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu, đồng thời đặt cọc 100% trị giá của A/P. Dựa trên A/P này, ngân hàng ở nước xuất khẩu sẽ phát hành một A/P đối ứng cho nhà xuất khẩu.
Bảo lãnh và tín dụng dự phòng
Bảo lãnh và thư tín dụng dự phòng đều là các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Hai phương thức này thường được kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng cường độ an toàn trong giao dịch, đặc biệt trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế có giá trị lớn như máy móc và thiết bị. Tuy nhiên, chúng có những đặc điểm và ứng dụng riêng.
Bảo lãnh
Bảo lãnh là cam kết của một bên thứ ba (người bảo lãnh) với bên có quyền (người nhận bảo lãnh). Theo đó, họ sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng.
Phương thức bảo lãnh thường được ứng dụng trong giao dịch xuất nhập khẩu. Các loại bảo lãnh phổ biến bao gồm:
- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Đảm bảo thực hiện đúng cam kết hợp đồng.
- Bảo lãnh tiền ứng trước hoặc tiền cọc: Đảm bảo việc hoàn trả tiền ứng trước hoặc tiền cọc.
- Bảo lãnh hàng máy móc, thiết bị: Đảm bảo việc giao hàng đúng chất lượng và thời gian.
- Bảo lãnh nhận hàng chưa có vận đơn gốc: Đảm bảo việc nhận hàng khi chưa có chứng từ vận chuyển chính thức.
- Bảo lãnh thanh toán: Đảm bảo thanh toán theo thỏa thuận.
Thư tín dụng dự phòng
Thư tín dụng dự phòng là cam kết bằng văn bản không thể hủy ngang của ngân hàng phát hành. Phương thức này đảm bảo thanh toán cho người thụ hưởng khi xuất trình chứng từ phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng.
Phương thức thanh toán bao gồm:
- Chuyển tiền ngay: Thanh toán ngay khi xuất trình chứng từ.
- Chấp nhận hối phiếu: Thanh toán khi hối phiếu được chấp nhận.
- Cam kết trả tiền sau: Thanh toán vào thời điểm sau khi chứng từ được xuất trình.
- Chiết khấu: Thanh toán trước khi chứng từ đến hạn.
Lời kết
Trên đây là các phương thức thanh toán phổ biến trong các giao dịch mua bán nội địa hoặc quốc tế. Mỗi phương thức đề có ưu, nhược điểm riêng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Hãy theo dõi Kinh nghiệm kinh doanh F&B để biết thêm nhiều thông tin hữu ích!
Xem thêm: