Bán lẻ là một loại hình kinh doanh phổ biến trong lĩnh vực cung ứng và phân phối hàng hóa. Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng không phải ai cũng hiểu rõ thuật ngữ này. Hãy cùng Kamereo tìm hiểu chi tiết về ngành bán lẻ để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời đại số!
Bán lẻ là gì?
Bán lẻ (tiếng Anh: retail management hay retail) là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức với mục đích tiêu dùng. Theo Khoản 6 và Khoản 7, Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, hoạt động này phải có giấy phép kinh doanh mới được phép thực hiện.
Ngành bán lẻ là hình thức phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất, nhà bán buôn hoặc các công ty thương mại đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Người mua là điểm cuối của chuỗi giao dịch này.
Nhà bán lẻ là cá nhân hoặc doanh nghiệp mua hàng từ nhà sản xuất hoặc nhà buôn với số lượng lớn và giá sỉ, sau đó bán lại cho người tiêu dùng cuối với giá cao hơn, tạo ra lợi nhuận từ mức chênh lệch giá.
Trong quy trình bán lẻ, nhà bán lẻ mua sản phẩm với giá bán buôn từ nhà sản xuất hoặc nhà buôn, sau đó bán cho khách hàng với giá cao hơn, phần chênh lệch sau khi trừ chi phí bán hàng chính là lợi nhuận của họ.
Sự tiện lợi của ngành bán lẻ giúp đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của khách hàng qua các kênh khác nhau. Nếu không có nhà bán lẻ, người tiêu dùng phải mua trực tiếp từ nhà sản xuất, điều này đòi hỏi họ phải tìm kiếm và đến nhiều địa điểm để có đủ các sản phẩm cần thiết.
Các mô hình bán lẻ phổ biến
Ngành bán lẻ có nhiều hình thức đa dạng và đang không ngừng mở rộng. Dưới đây là những mô hình bán hàng phổ biến và đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ:
Các cửa hàng truyền thống
Đầu tiên, khi nhắc đến các mô hình bán lẻ truyền thống không thể bỏ qua tiệm tạp hóa. Đây là mô hình cửa hàng bán lẻ đa dạng sản phẩm. Trong đó, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, tiệm tạp hóa còn kinh doanh các mặt hàng như: quần áo, đồ nội thất, hóa mỹ phẩm nhưng với số lượng ít hơn.
Siêu thị là một mô hình bán lẻ hiện đại, cung cấp một loạt hàng hóa từ lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng đến mỹ phẩm. Tuy nhiên, các mặt hàng như: quần áo, đồ thể thao, đồ chơi và hàng ngũ kim chiếm một phần nhỏ trong tổng số lượng sản phẩm.
Tương tự như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tập trung chủ yếu vào thực phẩm, đồ gia dụng, đồ uống và thuốc lá. Các sản phẩm như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ chơi và hàng ngũ kim có mặt cũng có số lượng ít hoặc không có.
Bán hàng online
Với sự phát triển của Internet, ngành bán lẻ đã trải qua những thay đổi đáng kể. Các doanh nghiệp bán lẻ giờ đây có thể đưa sản phẩm lên các trang web bán hàng, cho phép quá trình giao dịch diễn ra trực tuyến.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể xem và nhận tư vấn về sản phẩm mà không cần đến cửa hàng. Người bán sẽ tiếp nhận, sau đó xử lý đơn hàng và vận chuyển tới khách hàng thông qua dịch vụ giao hàng hoặc tự giao. Đặc biệt, quá trình thanh toán có thể thực hiện trực tuyến hoặc khi nhận hàng.
Bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ như: Amazon, Alibaba, Shopee, Lazada, Tiki và gần đây là TikTok Shop đã mở ra một hình thức kinh doanh mới cho các doanh nghiệp và nhà bán lẻ. Những sàn thương mại điện tử này cho phép nhà bán hàng trở thành đối tác và bán sản phẩm của mình trên nền tảng của họ. Điều này giúp mở rộng cơ hội tiếp cận với số lượng lớn khách hàng trên toàn cầu.
Amazon từng chia sẻ: “Nhà bán hàng gửi sản phẩm của mình đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon (FBA), và chúng tôi sẽ đảm nhiệm việc đóng gói, vận chuyển và cung cấp dịch vụ khách hàng cho những sản phẩm đó.”
Xu hướng ngành bán lẻ hiện nay
Khi kinh doanh trong ngành bán lẻ, việc nắm bắt xu hướng sẽ giúp bạn tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Dưới đây là một số xu hướng bán lẻ mà bạn nên biết:
Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
Các mặt hàng tiêu dùng trong ngành bán lẻ như: quần áo, đồ dùng cá nhân và thực phẩm thường là sản phẩm đại trà, khó có thể cá nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, chủ shop vẫn nên tạo sự khác biệt để khách hàng cảm thấy sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng của mình.
Dưới đây là một số bí quyết giúp shop cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng:
- Sử dụng phần mềm bán hàng đa kênh để phân tích và theo dõi hành vi mua sắm. Từ đó, bạn có thể nắm bắt được sở thích và nhu cầu cụ thể của từng khách hàng, giúp tư vấn chính xác hơn.
- Khi đóng gói sản phẩm, hãy tặng kèm thiệp cảm ơn có ghi tên khách hàng để thể hiện sự trân trọng và tạo dấu ấn tốt.
- Tặng voucher giảm giá hoặc thẻ quà tặng vào ngày sinh nhật của khách hàng để thu hút thêm sự quan tâm và gắn kết lâu dài.
Xu hướng bán hàng online
Ngoài hình thức cửa hàng truyền thống, kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử bao gồm: Shopee, Lazada, Tiki và các mạng xã hội như: Facebook, Instagram, TikTok ngày càng phổ biến và thu hút nhiều sự quan tâm.
Sự phát triển của Internet đã khiến người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến vì tiết kiệm thời gian và so sánh giá dễ dàng hơn. Do đó, việc bán hàng online giúp các shop đáp ứng nhu cầu này, mang lại trải nghiệm liền mạch, nhanh chóng và tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng hiệu quả.
Xu hướng tiêu dùng bền vững, lành mạnh
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng bền vững đang ngày càng được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Theo đó, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường và có tính bền vững cao. Chủ shop có thể tận dụng xu hướng này để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng bằng cách lựa chọn sản phẩm phù hợp và triển khai các chiến dịch marketing phù hợp.
Dưới đây là một số chiến dịch mà bạn có thể tham khảo:
- Chiến dịch thay thế bọc nilon: Khuyến khích khách hàng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay vì bọc nilon.
- Chiến dịch đổi vỏ chai cũ nhận sản phẩm mới: Tạo cơ hội cho khách hàng đổi vỏ chai cũ lấy sản phẩm mới, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
- Chiến dịch thu hồi pin cũ nhận pin mới: Khuyến khích khách hàng gửi pin cũ để nhận pin mới, giúp quản lý chất thải pin hiệu quả hơn.
Những chiến dịch này không chỉ thu hút khách hàng mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Giao hàng thần tốc
Người tiêu dùng thường có nhu cầu nhận hàng càng nhanh càng tốt, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Do đó, các nhà bán kẻ nên lựa chọn đơn vị giao hàng nhanh chóng và có chi phí hợp lý để cải thiện thời gian giao hàng. Đồng thời, bạn cũng cần đảm bảo hàng hóa được vận chuyển an toàn đến tay khách hàng.
Đa dạng phương thức thanh toán
Thay vì sử dụng tiền mặt, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức thanh toán tiện lợi và nhanh chóng như: thẻ ngân hàng, QR code và ví điện tử (Zalo Pay, Shopee Pay, Momo,…). Để theo kịp xu hướng thị trường, các nhà bán lẻ nên tích hợp những phương thức thanh toán này vào hệ thống của mình. Đây là một bước tiến giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm tỷ lệ sai sót trong quá trình thanh toán.
Sự đối đầu của các ông lớn trong ngành bán lẻ thế giới
Từ lâu, Walmart và Amazon đã là hai ông lớn hàng đầu trong ngành bán lẻ toàn cầu và thường xuyên cạnh tranh trực tiếp với nhau. Khi Amazon mới ra mắt vào năm 1996, Walmart đã sở hữu hơn 2.000 cửa hàng.
Tuy nhiên, Walmart gia nhập thị trường thương mại điện tử khá muộn và chỉ bắt đầu mạnh mẽ trong lĩnh vực này từ năm 2016. Sự cạnh tranh giữa Walmart và Amazon trở nên quyết liệt hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Năm 2020, Walmart ra mắt Walmart+ và Dịch vụ Fulfillment Services (WFS) để đối đầu với dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA), giúp các nhà bán hàng lưu trữ và giao hàng tại kho của Walmart. Đến năm 2021, Walmart mở cửa cho các nhà bán hàng quốc tế tham gia nền tảng của mình.
Trong quý 4 năm 2020, doanh số bán hàng trực tuyến của Amazon đạt 64,53 tỷ USD, vượt xa Walmart chỉ 49,56 tỷ USD. Theo báo cáo của Prosper Insights & Analytics (tháng 1/2023), 61,8% người Mỹ cho rằng Amazon là trang web họ sử dụng thường xuyên nhất để mua sắm, trong khi chỉ có 8,6% chọn Walmart.
Mặc dù cả Amazon và Walmart đều là những ông lớn trong ngành bán lẻ, họ có mô hình kinh doanh và phạm vi hoạt động khác nhau. Amazon tập trung vào bán lẻ trực tuyến và phát triển dịch vụ kỹ thuật số. Trong khi đó, Walmart nổi bật với sự hiện diện mạnh mẽ trong phân khúc sản phẩm cho người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Làm sao để thành công trong xu hướng ngành bán lẻ hiện nay?
Việc nắm bắt xu hướng thay đổi từng ngày của ngành bán lẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, bạn cần chuyển hóa các thông tin tiếp nhận được thành chiến thuật thực tế để có cơ hội thành công trong ngành. Dưới đây là những hành động mà bạn cần thực hiện nay hôm nay:
Xây dựng đội ngũ sale chuyên nghiệp
Nhân viên sales là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp với thị trường. Đặc biệt, họ không chỉ giúp xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt khách hàng mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến thành công kinh doanh.
Việc xây dựng một đội ngũ Sales chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận và thuyết phục khách hàng hiệu quả là yếu tố then chốt để doanh nghiệp:
- Tăng doanh thu: Một đội ngũ Sales mạnh giúp thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách nắm bắt cơ hội. Từ đó, họ có thể chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự.
- Mở rộng thị trường: Đội ngũ Sales có thể giúp doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường mới và phát triển mạng lưới khách hàng.
- Nâng cao vị thế cạnh tranh: Họ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp dịch vụ khách hàng tốt. Đồng thời, nhân viên sale còn xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và phản hồi nhanh chóng với các yêu cầu của thị trường.
Bán hàng đa kênh
Bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện đại. Loại hình này đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và tận dụng lợi ích từ nhiều kênh tiếp thị khác nhau từ cửa hàng truyền thống đến các nền tảng trực tuyến như: mạng xã hội, ứng dụng di động,… Bán hàng đa kênh mở rộng cơ hội tiếp xúc với đối tượng mục tiêu và mở rộng thị trường tiềm năng.
Khách hàng có thể lựa chọn kênh mua sắm phù hợp nhất với họ từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng đến việc đặt hàng trực tuyến. Điều này đảm bảo trải nghiệm mua sắm của họ được tối ưu và thuận tiện hơn.
Xây dựng thương hiệu
Bạn cần xây dựng thương hiệu tích cực để tạo ấn tượng tốt trong tâm trí khách hàng. Khi thương hiệu được nhận diện rõ ràng giúp tăng khả năng khách hàng nhớ đến sản phẩm hoặc dịch vụ khi đưa ra quyết định mua sắm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu bán hàng có thể tăng cao và doanh nghiệp sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh rõ rệt so với các đối thủ.
Tối ưu hóa mua sắm trên di động
Vào năm 2021, Google đã công bố một báo cáo về thị trường Việt Nam, 97% người tiêu dùng hiện đang thụ động sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Đặc biệt, 99% trong số họ có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Vì vậy, việc tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trên di động là vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng.
Lời kết
Qua bài viết hi vọng bạn đã hiểu hơn về mô hình bán lẻ là gì. Từ đó, bạn có thể xây dựng được kế hoạch kinh doanh phù hợp giúp gặt hái được nhiều thành công hơn. Hãy theo dõi Kinh nghiệm kinh doanh F&B để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé!
Xem thêm: