Chuyển tới nội dung
Trang chủ > Blog > Mẹo Vặt Cuộc Sống > Chế độ ăn uống lành mạnh là gì? Nhóm thực phẩm, nguyên tắc và cách xây dựng

Chế độ ăn uống lành mạnh là gì? Nhóm thực phẩm, nguyên tắc và cách xây dựng

Chế độ ăn uống lành mạnh là cách lựa chọn và kết hợp thực phẩm một cách khoa học để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, giúp duy trì cân nặng, tăng cường miễn dịch và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, ung thư. Một chế độ ăn uống cân bằng còn hỗ trợ cải thiện tinh thần, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống toàn diện hơn. Hãy cùng Kamereo khám phá trong bài viết dưới đây để hiểu rõ nguyên tắc dinh dưỡng và áp dụng hiệu quả vào cuộc sống hằng ngày!

Chế độ ăn uống lành mạnh là gì?

Chế độ ăn uống lành mạnh (Healthy Eating Plan) là cách lựa chọn và kết hợp các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, nhằm hỗ trợ kiểm soát cân nặng và duy trì thể trạng tốt một cách lâu dài.

Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cân đối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tốt, đồng thời giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, tiểu đường hay ung thư. Việc đa dạng hóa thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, đồng thời hạn chế lượng muối, đường và chất béo tiêu thụ, là nền tảng để xây dựng một lối sống ăn uống lành mạnh.

Để duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, mỗi người nên hướng tới việc tiêu thụ ít nhất năm khẩu phần rau củ và trái cây mỗi ngày. Ngoài ra, nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm giàu tinh bột và chất xơ như bánh mì nguyên cám, gạo lứt, mì ống nguyên hạt hoặc khoai tây.

Chế độ ăn uống lành mạnh là cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng và duy trì sức khỏe bền vững.
Chế độ ăn uống lành mạnh là cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng và duy trì sức khỏe bền vững.

Lợi ích khi xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

  • Giảm nguy cơ bệnh mạn tính và ung thư: Chế độ ăn nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, ít muối, đường và chất béo bão hòa giúp phòng tránh bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp và một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch: Ăn nhiều chất xơ, giảm muối và chất béo bão hòa giúp hạ cholesterol “xấu” LDL, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.
  • Cải thiện chức năng não bộ và sức khỏe tinh thần: Chế độ ăn giàu omega-3, vitamin nhóm B, D và kẽm giúp tăng trí nhớ, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ trầm cảm, sa sút trí tuệ.
  • Tăng cường miễn dịch và sức khỏe tiêu hóa: Bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ, prebiotic và probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng hấp thu dinh dưỡng và nâng cao khả năng miễn dịch.
  • Cải thiện ngoại hình, giấc ngủ và kéo dài tuổi thọ: Chế độ ăn lành mạnh giúp da đẹp, tóc chắc khỏe, xương răng bền vững, giấc ngủ sâu hơn và tăng tuổi thọ từ 3–6 năm.
  •  Hỗ trợ phát triển toàn diện ở trẻ nhỏ: Dinh dưỡng đầy đủ từ sớm giúp trẻ phát triển chiều cao, trí tuệ, thể chất tốt và giảm nguy cơ thừa cân, béo phì sau này.
Chế độ ăn lành mạnh giúp phòng ngừa bệnh mạn tính, tăng cường sức khỏe toàn diện từ tim mạch, não bộ đến tiêu hóa, miễn dịch và ngoại hình
Chế độ ăn lành mạnh giúp phòng ngừa bệnh mạn tính, tăng cường sức khỏe toàn diện từ tim mạch, não bộ đến tiêu hóa, miễn dịch và ngoại hình

Cách xây dựng chế độ ăn lành mạnh

Đánh giá thói quen ăn uống hiện tại

Theo khuyến nghị từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc đánh giá lại thói quen ăn uống hiện tại là bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Điều này bao gồm việc xác định bạn đang ăn gì, ăn khi nào và với tần suất như thế nào.

Khi hiểu rõ bản thân đang tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường hoặc thiếu rau xanh, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh và thiết lập những ưu tiên mới trong bữa ăn. Mục tiêu chính là giảm dần thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường thực phẩm tươi, nguyên chất và giàu giá trị dinh dưỡng.

Lên kế hoạch thực đơn cân bằng và đa dạng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hướng dẫn chế độ ăn của Bộ Y tế Việt Nam đều nhấn mạnh: để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, các bữa ăn nên được lập kế hoạch theo tuần và bao gồm đầy đủ các nhóm chất: carbohydrate, protein, chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Việc lên thực đơn giúp bạn không chỉ kiểm soát lượng calo, mà còn tăng tính chủ động trong việc chuẩn bị bữa ăn, từ đó hạn chế việc ăn uống tùy hứng hoặc phụ thuộc vào thực phẩm nhanh. Đồng thời, thực đơn được thiết kế trước cũng giúp đảm bảo đủ rau củ quả (tối thiểu 400g/ngày), sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay vì tinh chế, và đa dạng hóa nguồn đạm từ động vật lẫn thực vật.

Kiểm soát khẩu phần ăn

Theo khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tăng cân là ăn khẩu phần quá lớn so với nhu cầu thực tế. Học cách kiểm soát khẩu phần là kỹ năng quan trọng trong chế độ ăn lành mạnh.

Bạn có thể áp dụng một số chiến lược đơn giản như dùng đĩa nhỏ hơn, chia bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, và đặc biệt là lắng nghe cảm giác no của cơ thể để dừng ăn đúng lúc. Việc kiểm soát khẩu phần không đồng nghĩa với nhịn ăn mà là ăn vừa đủ để cung cấp năng lượng cần thiết mà không dư thừa.

Ăn uống chánh niệm

Ăn uống chánh niệm là việc chú ý đến tín hiệu của cơ thể, nhận biết cảm giác đói, no, sự thỏa mãn hay hài lòng, đồng thời dành thời gian để kết nối với suy nghĩ và cảm xúc của bản thân trong từng bữa ăn.

Một nghiên cứu trên Harvard Health cho thấy rằng việc ăn chậm, không bị phân tâm bởi điện thoại hay tivi có thể giúp giảm tình trạng ăn quá mức, tăng cảm nhận về vị giác, và hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Đồng thời, ăn chánh niệm còn giúp cải thiện mối quan hệ với thực phẩm, từ bỏ thói quen ăn theo cảm xúc hoặc căng thẳng.

Duy trì sự kiên trì và thay đổi từng bước nhỏ

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), bất kỳ sự thay đổi nào trong lối sống, đặc biệt là thói quen ăn uống, đều cần sự kiên trì, tính nhất quán và sự điều chỉnh linh hoạt theo thời gian.

Bạn không cần thay đổi tất cả trong một ngày. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng việc giảm dần đường, muối, đồ ăn nhanh, tăng cường rau xanh vào bữa chính, hoặc uống thêm 1 ly nước mỗi ngày. Những điều nhỏ nhặt nhưng đều đặn này sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong dài hạn.

Một chế độ ăn lành mạnh không phải là chiến dịch ngắn hạn, mà là một cam kết lâu dài nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Xây dựng chế độ ăn lành mạnh bằng cách hiểu thói quen ăn, lên thực đơn hợp lý, kiểm soát khẩu phần, ăn chánh niệm và thay đổi bền vững
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh bằng cách hiểu thói quen ăn, lên thực đơn hợp lý, kiểm soát khẩu phần, ăn chánh niệm và thay đổi bền vững

Nhóm thực phẩm và hàm lượng khuyến nghị trong chế độ ăn uống lành mạnh

Dưới đây là bàng tổng hợp các nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn uống lành mạnh và hàm lượng khuyến nghị:

Nhóm thực phẩm

Hàm lượng khuyến nghị

Ghi chú

Rau xanh và trái cây

400g/ngày (≥25–30g chất xơ)

Ưu tiên rau củ tươi theo mùa, không tính củ giàu tinh bột (khoai tây, khoai lang).

Ngũ cốc nguyên hạt

30–50g/ngày (≥3 khẩu phần)

Ưu tiên gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám. Hạn chế ngũ cốc tinh chế.

Chất đạm (Protein)

  • Người bình thường: 0,8–1,2g/kg/ngày
  • Người vận động nhiều: 1,2–2g/kg/ngày

Kết hợp đạm động vật và thực vật. Ăn 2–3 khẩu phần đạm/ngày; ít nhất 2 bữa cá/tuần.

Chất béo lành mạnh

25–30% tổng năng lượng/ngày

Chất béo bão hòa <10%, ưu tiên chất béo không bão hòa. Hạn chế chiên, xào nhiều dầu mỡ.

Sữa và chế phẩm từ sữa

2–3 khẩu phần/ngày (ví dụ: 200ml sữa, 150g sữa chua, 30g phô mai)

Ưu tiên sản phẩm ít đường, ít béo

Nước

1,5–2,5 lít/ngày

Uống nước lọc, nước thảo mộc không đường. Hạn chế nước ngọt, nước có gas, rượu bia.

Muối (Natri)

≤5g muối/ngày (≈ 2.000mg natri)

Tăng cường kali từ rau củ quả để trung hòa natri, giảm nguy cơ tăng huyết áp.

Đường tự do

  • <10% tổng năng lượng/ngày (lý tưởng <5%)
  • Nam ≤36g/ngày
  • Nữ ≤25g/ngày
  • Trẻ em ≤25g/ngày

Đọc nhãn sản phẩm để kiểm soát lượng đường.

Rau xanh và trái cây

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ – AHA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 25 – 30 gram chất xơ từ thực phẩm tươi, tương đương khoảng 400g rau củ và trái cây mỗi ngày.

Rau xanh và trái cây giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, và đặc biệt là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ và một số loại ung thư. Ngoài ra, đây cũng là nhóm thực phẩm có mật độ năng lượng thấp nhưng giàu vi chất, rất phù hợp cho cả người kiểm soát cân nặng và trẻ em đang phát triển.

Lưu ý: 

  • Nên ưu tiên sử dụng rau củ quả tươi theo mùa, ăn sống hoặc hấp luộc để giữ nguyên dưỡng chất. 
  • Các loại củ tinh bột như khoai tây, khoai lang không được tính vào khẩu phần rau.
WHO khuyến cáo ăn ít nhất 400g rau củ quả mỗi ngày để tăng chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và giảm nguy cơ bệnh mạn tính
WHO khuyến cáo ăn ít nhất 400g rau củ quả mỗi ngày để tăng chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và giảm nguy cơ bệnh mạn tính

Ngũ cốc nguyên hạt

Theo khuyến nghị từ Hướng dẫn dinh dưỡng của Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người nên ăn ít nhất 3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt (tương đương khoảng 30–50g) mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt thay vì các loại đã tinh chế.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, quinoa chứa nhiều chất xơ, vitamin B, sắt và magie, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, ổn định đường huyết, duy trì cảm giác no lâu hơn, từ đó góp phần kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Ngược lại, ngũ cốc tinh chế (như gạo trắng, bánh mì trắng, mì trắng) dễ gây tăng đường huyết nhanh và thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu.

Nên ăn ít nhất 3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa, ổn định đường huyết và kiểm soát cân nặng
Nên ăn ít nhất 3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa, ổn định đường huyết và kiểm soát cân nặng

Chất đạm (Protein)

Protein là nhóm chất đa lượng quan trọng, chiếm khoảng 15–20% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày, theo khuyến cáo từ FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc),tương đương khoảng:

  • Đối với người bình thường, ít vận động: 0,8–1,2g protein/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
  • Đối với người vận động nhiều: 1,2–2g/kg/ngày.

Protein có vai trò xây dựng cơ bắp, duy trì hệ miễn dịch, tái tạo mô và ổn định hormone. Nguồn đạm nên được kết hợp từ động vật (như thịt nạc, cá, trứng, sữa) và thực vật (như đậu nành, đậu lăng, hạt chia, đậu phụ). Trong đó, đạm thực vật rất được khuyến khích nhờ hàm lượng chất béo thấp, giàu chất xơ và dễ tiêu hóa.

💡Gợi ý:

Người trưởng thành nên ăn 2–3 khẩu phần thực phẩm giàu đạm mỗi ngày, kết hợp ít nhất 2 bữa cá/tuần, trong đó có một bữa cá béo như cá hồi hoặc cá thu.

Nên bổ sung 0,8–2g protein/kg mỗi ngày từ cả nguồn động vật và thực vật để hỗ trợ cơ bắp, miễn dịch và cân bằng hormone
Nên bổ sung 0,8–2g protein/kg mỗi ngày từ cả nguồn động vật và thực vật để hỗ trợ cơ bắp, miễn dịch và cân bằng hormone.

Chất béo lành mạnh

Theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ – NIH, WHO, chất béo nên chiếm khoảng 25–30% tổng năng lượng hằng ngày, trong đó:

  • Chất béo bão hòa 10%: Mỡ động vật, bơ, kem sữa béo, phô mai, sữa nguyên kem, thịt đỏ nhiều mỡ, xúc xích, lạp xưởng, dầu dừa, dầu cọ
  • Chất béo không bão hòa 20 – 25%: Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu đậu nành, cá hồi, cá thu, hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia, quả bơ, hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng. 

Bạn nên ưu tiên thực phẩm chứa chất béo không bão hòa vì chúng giúp hấp thụ vitamin A, D, E, K, duy trì hoạt động của não bộ, hỗ trợ sản xuất hormone và chống viêm tự nhiên. Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu và bệnh lý tim mạch.

Ví dụ: Với một chế độ ăn 2000 kcal/ngày, chất béo nên dao động từ 44 – 66g/ngày, trong đó:

  • Chất béo bão hòa không vượt quá 22g
  • Chất béo chuyển hóa tối đa 2g

💡 Mẹo: Hãy ưu tiên các phương pháp chế biến như hấp, luộc, nướng thay vì chiên, xào để giảm hấp thụ dầu mỡ dư thừa.

Chất béo nên chiếm 25–30% năng lượng mỗi ngày, ưu tiên chất béo không bão hòa từ dầu thực vật, cá béo và hạt để bảo vệ tim mạch và não bộ
Chất béo nên chiếm 25–30% năng lượng mỗi ngày, ưu tiên chất béo không bão hòa từ dầu thực vật, cá béo và hạt để bảo vệ tim mạch và não bộ

Sữa và các chế phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa là nguồn giàu canxi, vitamin D, protein và kali – đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì xương răng chắc khỏe. WHO khuyến nghị người trưởng thành nên tiêu thụ 2–3 khẩu phần sữa/ngày, tương đương:

  • 200ml sữa tươi
  • 150g sữa chua không đường
  • 30g phô mai ít béo

Nếu bạn không dung nạp lactose, có thể thay thế bằng các sản phẩm từ đậu nành hoặc sữa hạt được bổ sung canxi.

💡Lưu ý: Ưu tiên lựa chọn sữa ít đường, ít béo để kiểm soát năng lượng và tránh các vấn đề về tim mạch, tiểu đường.

Nên tiêu thụ 2–3 khẩu phần sữa hoặc sản phẩm thay thế giàu canxi mỗi ngày để hỗ trợ xương chắc khỏe, ưu tiên loại ít đường và ít béo
Nên tiêu thụ 2–3 khẩu phần sữa hoặc sản phẩm thay thế giàu canxi mỗi ngày để hỗ trợ xương chắc khỏe, ưu tiên loại ít đường và ít béo

Nước

Dù không được xếp vào nhóm dinh dưỡng cung cấp năng lượng, nhưng nước là thành phần thiết yếu cho mọi hoạt động trao đổi chất. Người trưởng thành nên uống từ 1,5 đến 2,5 lít mỗi ngày, tùy theo mức độ vận động và thời tiết.

Nước giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ độc tố, và đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe da, thận và tiêu hóa.

Bạn nên uống nước lọc, nước thảo mộc không đường và hạn chế nước ngọt, nước có gas, rượu bia để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Mỗi ngày nên uống 1,5–2,5 lít nước để hỗ trợ trao đổi chất, thải độc và duy trì sức khỏe toàn diện, ưu tiên nước lọc và hạn chế đồ uống có đường
Mỗi ngày nên uống 1,5–2,5 lít nước để hỗ trợ trao đổi chất, thải độc và duy trì sức khỏe toàn diện, ưu tiên nước lọc và hạn chế đồ uống có đường

Muối

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, lượng muối (natri) tiêu thụ quá mức là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ và bệnh tim mạch.

Theo khuyến cáo của WHO:

  • Người trưởng thành nên tiêu thụ không quá 5g muối/ngày (≈ 2.000mg natri)
  • Mức natri tối thiểu để cơ thể hoạt động bình thường chỉ cần 200–500mg/ngày

💡 Lưu ý: Ngoài việc giảm lượng muối, bạn nên tăng cường tiêu thụ kali từ rau củ và trái cây như chuối, cam, khoai tây, rau bina… Kali giúp trung hòa tác động của natri lên huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ

Nên hạn chế muối dưới 5g/ngày và tăng kali từ rau củ quả để kiểm soát huyết áp và phòng bệnh tim mạch
Nên hạn chế muối dưới 5g/ngày và tăng kali từ rau củ quả để kiểm soát huyết áp và phòng bệnh tim mạch

Đường

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và WHO tổng lượng đường tự do không nên vượt quá 10% tổng năng lượng/ngày, với mức lý tưởng là < 5%, tương đương:

  • Nam giới: tối đa 36g đường/ngày (~ 9 thìa cà phê)
  • Nữ giới: tối đa 25g đường/ngày (~ 6 thìa cà phê)
  • Trẻ em: không quá 25g/ngày

💡Lưu ý: Đường có thể chứa nhiều trong các sản phẩm tưởng chừng lành mạnh như: ngũ cốc ăn sáng, sữa chua có đường, nước ép đóng chai… Hãy tập thói quen đọc nhãn dinh dưỡng trước khi chọn mua sản phẩm để bạn có thể kiểm soát được lượng đường tiêu thụ cho cơ thể.

Nguyên tắc khi xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Cân bằng năng lượng tiêu thụ và tiêu hao

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để duy trì cân nặng ổn định và sức khỏe tối ưu, lượng calo nạp vào mỗi ngày cần tương ứng với lượng calo cơ thể tiêu hao. 

Cụ thể, người trưởng thành trung bình cần từ 1.800 – 2.400 kcal/ngày đối với nữ giới và 2.000 – 3.000 kcal/ngày đối với nam giới, tùy theo mức độ hoạt động thể chất.

Nếu mục tiêu là giảm cân, cần tạo ra trạng thái thâm hụt calo một cách hợp lý (giảm 300–500 kcal/ngày) thông qua việc kết hợp ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn, tránh ăn kiêng cực đoan gây thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.

Ưu tiên nhóm thực phẩm tươi, nguyên chất và đa dạng

Một chế độ ăn uống lành mạnh cần bao gồm đa dạng thực phẩm từ tất cả các nhóm chính: rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất đạm nạc, chất béo lành mạnh và sữa (hoặc thực phẩm thay thế giàu canxi).

Việc ăn nhiều thực phẩm chế biến như xúc xích, mì ăn liền, đồ hộp, nước ngọt… là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch và rối loạn mỡ máu. Hạn chế tối đa các thực phẩm này là bước quan trọng trong xây dựng chế độ ăn lành mạnh.

Xây dựng thực đơn theo tuần phù hợp

Thay vì ăn ngẫu nhiên mỗi ngày, hãy lên kế hoạch thực đơn theo tuần, phù hợp với mục tiêu (giảm cân, tăng cân, duy trì, cải thiện sức khỏe). 

Ví dụ, người mắc bệnh tiểu đường cần ưu tiên tinh bột hấp thu chậm, người huyết áp cao cần ăn nhạt, người cao tuổi cần chú trọng bổ sung canxi, vitamin D.

Các tổ chức như Hiệp hội Dinh dưỡng Anh (BDA) và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến khích người dân sử dụng công cụ như “Đĩa ăn lành mạnh” (Eatwell Plate) để trực quan hóa tỷ lệ cân bằng các nhóm chất trong mỗi bữa ăn.

Để duy trì sức khỏe và cân nặng ổn định, cần cân bằng năng lượng nạp – tiêu, ưu tiên thực phẩm tươi, đa dạng và xây dựng thực đơn phù hợp theo mục tiêu cá nhân
Để duy trì sức khỏe và cân nặng ổn định, cần cân bằng năng lượng nạp – tiêu, ưu tiên thực phẩm tươi, đa dạng và xây dựng thực đơn phù hợp theo mục tiêu cá nhân

Mẹo để có chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh không đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn thói quen hằng ngày. Chỉ cần áp dụng một số thay đổi nhỏ dưới đây trong cách tiêu thụ thực phẩm, bạn có thể cải thiện đáng kể dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể:

  • Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt: Chọn bánh mì nguyên cám, gạo lứt thay vì ngũ cốc tinh chế để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường.
  • Thay mayonnaise bằng mù tạt: Giảm lượng calo và chất béo không cần thiết khi ăn sandwich.
  • Kết hợp sữa tách béo với yến mạch: Tăng lượng protein, canxi, kali và vitamin B12 cho bữa sáng giàu dinh dưỡng.
  • Bổ sung hạt lanh vào sinh tố hoặc sữa chua: Tăng cường chất xơ, omega-3 và các chất chống oxy hóa tự nhiên.
  • Dùng rau bina thay thế xà lách: Tận dụng nguồn vitamin A, C, E, axit folic và khoáng chất phong phú.
    Uống trà không đường thay nước ngọt: Giảm hàng nghìn calo và lượng đường tiêu thụ mỗi tháng.
  • Chọn cà phê pha sữa tách béo: Hưởng trọn lợi ích từ protein và canxi mà vẫn kiểm soát lượng calo.
  • Sử dụng ngũ cốc ăn sáng ít đường: Giảm tiêu thụ đường, đồng thời bổ sung nhiều chất xơ hơn cho chế độ ăn.
Chế độ ăn lành mạnh bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như chọn ngũ cốc nguyên hạt, sữa tách béo, giảm đường và tăng rau củ, giúp cải thiện dinh dưỡng mỗi ngày
Chế độ ăn lành mạnh bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như chọn ngũ cốc nguyên hạt, sữa tách béo, giảm đường và tăng rau củ, giúp cải thiện dinh dưỡng mỗi ngày

Tổng kết

Hy vọng qua nội dung trên bạn đã có thể giải đáp thắc mắc chế độ ăn uống lành mạnh là gì và xây dựng được chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và tốt cho sức khỏe. Bằng việc lựa chọn thực phẩm tươi sạch, xây dựng khẩu phần tiêu thụ thực phẩm hợp lý, mỗi người đều có thể tự chủ động xây dựng một lối sống dinh dưỡng khoa học. Bạn đừng quên truy cập vào chuyên mục Khỏe và Đẹp để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet
  2. https://www.healthline.com/nutrition/how-to-eat-healthy-guide
  3. https://www.healthline.com/health/balanced-diet
0/5 - (0 vote)
Chia sẻ bài viết
Thảo Lê

Thảo Lê

Là một Content SEO Writer có niềm đam mê trải nghiệm các văn hóa ẩm thực và luôn cập nhật thông tin mới nhất trong ngành F&B, tôi đã biến sở thích thành chất liệu cho những bài viết của mình. Với mong muốn mang đến những góc nhìn thực tế, đa dạng giúp độc giả hiểu sâu hơn về những câu chuyện đằng sau từng món ăn và mô hình kinh doanh ẩm thực, tôi hy vọng sẽ mang đến cho bạn những thông tin giá trị và hữu ích trên website Kamereo.View Author posts