Ngày 17/7 là ngày gì? Đây là ngày truyền thống của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – cột mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Hãy cùng Kamereo tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của ngày này cũng như những thông tin thú vị về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam qua bài viết dưới đây nhé!
17/7 là ngày gì?
Ngày 17/7 hằng năm là ngày truyền thống của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đâu là bảo tàng lưu giữ và tôn vinh những giá trị quý báu của lịch sử quân sự dân tộc. Ngày này gắn liền với sự kiện quan trọng vào ngày 17/7/1956, khi Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ra quyết định thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội – tiền thân của bảo tàng ngày nay.
Đến ngày 4/12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1155/QĐ-TTg, chính thức đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành một trung tâm văn hóa – lịch sử quy mô lớn, thuộc hệ thống 7 bảo tàng quốc gia, với hơn 150.000 hiện vật quý giá được trưng bày và lưu giữ.
Trước đây, bảo tàng tọa lạc tại số 28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Tuy nhiên, từ năm 2019, địa điểm mới đã được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng tại phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với diện tích lên đến 386.600m², công trình mới không chỉ đồ sộ về quy mô mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị văn hóa sâu sắc về truyền thống quân sự Việt Nam.

Kinh nghiệm tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Nếu bạn đang có kế hoạch ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây để có một chuyến tham quan trọn vẹn và đáng nhớ nhất nhé!
Thông tin tham quan
- Giờ mở cửa: 08h00 – 11h30 và 13h00 – 16h30 tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ Hai và thứ Sáu).
- Địa chỉ: Km6+500 Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Giá vé vào cổng: 40.000 đồng/người/lượt.
Cách di chuyển
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm, cách trung tâm thành phố Hà Nội chỉ khoảng 10km, rất thuận tiện cho du khách ghé thăm. Dưới đây là những gợi ý về các phương tiện di chuyển giúp bạn dễ dàng đến bảo tàng:
- Phương tiện cá nhân: Nếu bạn lựa chọn xe máy hoặc ô tô, tuyến đường dọc theo Đại lộ Thăng Long là lựa chọn tối ưu. Thời gian di chuyển ước tính khoảng 30 phút với xe máy và 20 phút với ô tô. Chi phí gửi xe là 3.000 đồng/xe máy và 20.000 đồng/ô tô.
- Di chuyển bằng xe buýt: Đây là phương án tiết kiệm chi phí và khá thuận tiện. Bạn có thể chọn một trong các tuyến xe buýt số 71B, 74, 87, 88, 107, 157, E05, E07, E09. Các tuyến này đều có điểm dừng gần cổng bảo tàng trên hướng Đại lộ Thăng Long.
- Đặt xe taxi hoặc xe ôm công nghệ: Để tiết kiệm thời gian và đảm bảo sự thoải mái, việc đặt xe qua các ứng dụng như Xanh SM, be, Grab là một lựa chọn tuyệt vời. Các ứng dụng này thường xuyên có các ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn di chuyển nhanh chóng và an toàn.

Các điểm nổi bật khi tham quan
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút đông đảo du khách không chỉ bởi quy mô hoành tráng mà còn nhờ kiến trúc độc đáo, không gian trưng bày hiện đại và bộ sưu tập hiện vật vô giá. Đây chắc chắn sẽ là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi bạn ghé thăm Hà Nội.
Kiến trúc độc đáo bậc nhất
Tòa nhà chính của bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, với tổng diện tích sàn lên tới 64.640m² và chiều cao 35,8m. Thiết kế của bảo tàng là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc hiện đại cùng những đường nét thanh lịch, tinh tế, thể hiện dòng chảy lịch sử một cách trực quan và sống động.
Đặc biệt, khi đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tòa tháp Chiến thắng cao 45m – con số mang ý nghĩa sâu sắc, đại diện cho năm 1945, mốc son lịch sử dân tộc Việt Nam giành được độc lập.

Không gian trưng bày sống động
Để giúp du khách hình dung rõ nét về các giai đoạn lịch sử hào hùng, bảo tàng đã chia không gian trưng bày thành 6 chủ đề tương ứng với 6 cột mốc quan trọng:
- Chủ đề 1: Buổi đầu dựng nước và giữ nước
- Chủ đề 2: Bảo vệ Độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858
- Chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945
- Chủ đề 4: Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954
- Chủ đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 đến năm 1975
- Chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay
Mỗi hiện vật đều được chú thích cụ thể các sự kiện lịch sử liên quan, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu. Hơn nữa, bảo tàng còn trang bị màn hình tra cứu thông tin hiện đại, mang đến trải nghiệm tìm hiểu mới lạ và sâu sắc về các trận chiến, nhân vật lịch sử.

Các bộ sưu tập hiện vật quý giá
Đến với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bạn sẽ có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những vật chứng lịch sử vô giá, trong đó nổi bật là 4 bảo vật Quốc gia:
- Máy bay MiG-21 số hiệu 4324: Là chiếc máy bay chiến đấu của Liên Xô sản xuất năm 1965, được Việt Nam sử dụng trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ (1965-1968). Chiếc MiG-21 này có 14 sao, tượng trưng cho những chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của phi công Việt Nam.
- Máy bay MiG-21 số hiệu 5121: Được điều khiển bởi Trung tướng Phạm Tuân, người đã bắn hạ máy bay B-52 của Mỹ trong chiến dịch vào đêm 27/12/1972, một chiến công nổi bật trong chiến tranh.
- Xe tăng T-54B số hiệu 843: Xe tăng này là một phần trong đội hình tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng và tiến vào Sài Gòn, đánh dấu sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975 khi chiếc xe này phá cổng Dinh Độc Lập.
- Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh: Bản đồ này được tạo ra từ tháng 4/1975, là một phần của kế hoạch quan trọng dẫn đến chiến dịch quyết định và chiến thắng ngày 30/4/1975.
Ngoài ra, bảo tàng còn lưu trữ và trưng bày hàng ngàn di sản văn hóa liên quan đến quân sự như vũ khí, trang bị, tài liệu, hình ảnh và hiện vật từ các cuộc chiến tranh. Nếu có dịp ghé thăm Thủ đô Hà Nội, đừng quên dành thời gian khám phá những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử này nhé!

Các lưu ý khi tham quan
Để chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam của bạn diễn ra suôn sẻ và đáng nhớ, hãy ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau:
- Đến đúng thời gian mở cửa: Bảo tàng đóng cửa vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, vì vậy hãy kiểm tra kỹ lịch trình để tránh lỡ chuyến tham quan.
- Tìm hiểu kỹ tuyến đường: Tham khảo trước các tuyến đường di chuyển và tình hình giao thông sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và có hành trình thuận lợi nhất.
- Trang phục lịch sự: Việc lựa chọn trang phục lịch sự không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với không gian trưng bày mà còn góp phần giữ gìn sự trang nghiêm của một nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quý báu.
- Tuân thủ nội quy bảo tàng: Luôn tuân thủ các quy định của bảo tàng để đảm bảo trải nghiệm của bạn và những du khách khác được trọn vẹn, đồng thời bảo vệ các hiện vật quý giá.

17 tháng 7 là ngày gì trên thế giới?
Ngoài ý nghĩa đặc biệt tại Việt Nam, ngày 17 tháng 7 còn được biết đến rộng rãi trên thế giới là Ngày Quốc tế Emoji (World Emoji Day). Đây là một dịp thú vị để tôn vinh những biểu tượng cảm xúc độc đáo, quen thuộc mà chúng ta vẫn thường gọi là Emoji.
Lý do ngày 17 tháng 7 được chọn làm Ngày Quốc tế Emoji bắt nguồn từ chi tiết thú vị trên biểu tượng emoji hình quyển lịch 📅, vốn hiển thị ngày 17 tháng 7. Vào dịp này, hàng loạt hoạt động hấp dẫn như các lễ trao giải cho những emoji phổ biến nhất, các cuộc bình chọn emoji yêu thích hay những trò chơi liên quan đến biểu tượng cảm xúc sẽ diễn ra sôi nổi.

Lời kết
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ngày 17/7 là ngày gì tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như cung cấp những thông tin hữu ích về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây không chỉ là một bảo tàng mà còn là một kho tàng lịch sử sống động, nơi bạn có thể tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc về truyền thống quân sự hào hùng của dân tộc. Đừng quên thường xuyên ghé thăm chuyên mục Lễ hội của Kamereo để khám phá thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa và các sự kiện đáng chú ý nhé!
Xem thêm: